Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm cho ngành giáo dục gián đoạn trên toàn cầu, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học của Việt Nam và Úc đã chia sẻ về sự chuyển dịch nhanh chóng sang học tập trực tuyến và những đổi mới được kiến tạo từ quá trình này tại “Tọa đàm chính sách giáo dục trực tuyến và nâng cao số hóa trong giáo dục” do Đại học RMIT tổ chức vào ngày 4/9/2020.  

Buổi tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Chính phủ Úc, Đại học RMIT, Cơ quan Quản lý Chất lượng và Tiêu chuẩn Giáo dục Đại học Úc (TEQSA), chính quyền bang Victoria (Úc), cũng như các trường đại học trên cả nước.

Tọa đàm diễn ra trước thềm năm học mới nhằm thúc đẩy trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về học tập trên nền tảng kỹ thuật số. Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi tọa đàm chính sách do Đại học RMIT điều phối tổ chức vào năm 2020-2021 nhân dịp kỷ niệm 20 năm trường hoạt động tại Việt Nam.

Tọa đàm chính sách giáo dục trực tuyến và nâng cao số hóa trong giáo dục

Phát biểu tại sự kiện tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận định tọa đàm là cơ hội tốt để các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục thông qua hình thức đào tạo ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Bộ trưởng cho biết, thời gian tới dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến khó lường, hình thức dạy và học trực tuyến sẽ tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong các cơ sở giáo dục ở Việt Nam. Theo Bộ trưởng, nền giáo dục Úc đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo trực tuyến và được đánh giá cao trên toàn cầu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn Úc và Đại học RMIT sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, hỗ trợ về học liệu và đảm nhiệm vai trò dẫn đầu khi đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy nhanh phát triển giáo dục đại học, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi tọa đàm 

Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo phụ trách đào tạo từ Đại học RMIT, Đại học Mở Hà Nội và Đại học Anh Quốc Việt Nam đã chia sẻ chi tiết về kinh nghiệm của trường mình trong quá trình chuyển đổi sang học tập trực tuyến và học tập hỗn hợp (kết hợp trực tiếp và trực tuyến).

Lấy ví dụ từ Đại học RMIT, trường cung cấp các chương trình đào tạo trên nền tảng kỹ thuật số với chất lượng quốc tế, đồng thời hợp tác với các nhà lãnh đạo tư duy và chuyên gia đa ngành để đem đến trải nghiệm học tập linh hoạt nhất. Năm 2020, trường đã chuyển đổi thành công hơn 5.000 môn học sang trực tuyến trên toàn cầu nhằm ứng phó với những hạn chế do Covid-19 gây ra.

Riêng tại Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc rà soát 190 môn học và ứng dụng phương pháp tốt nhất để dạy trực tuyến các môn học này, đồng thời tối ưu hóa trải nghiệm sinh viên bằng cách “trực tuyến hóa” các dịch vụ như hỗ trợ học tập, thư viện, chăm sóc sức khỏe và tâm lý.

Phát biểu trực tuyến từ thành phố Melbourne (Úc), ông Martin Bean- Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học RMIT cho biết: “Với vị thế dẫn đầu trên toàn cầu về giáo dục, chúng tôi hân hạnh đồng hành cùng thế hệ trẻ Việt và những người Việt có mong muốn học tập suốt đời để giúp họ tiếp cận học tập kỹ thuật số”. Chúng ta có thể cùng vươn tới những đỉnh cao trong tương lai và biến cơ hội giáo dục trực tuyến này thành một mốc son cho Việt Nam.

Chủ tịch Đại học RMIT Việt Nam- giáo sư Coloe cho biết thêm: “Trong thế giới ngày càng số hóa mạnh mẽ và kết nối rộng khắp, học tập trực tuyến sẽ đem đến cơ hội học tập cho thêm nhiều lãnh đạo tương lai của Việt Nam, dù họ có ở đâu đi chăng nữa”.

Phó chủ tịch Hội đồng trường kiêm Giám đốc Đại học RMIT ông Martin Bean phát biểu trực tuyến tại tọa đàm

Theo Đại sứ Úc tại Việt Nam, bà Robyn Mudie, sáng kiến về chuỗi sự kiện này là “ví dụ điển hình” về hợp tác giữa Úc - Việt Nam trong các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội. 

Bà Mudie nhấn mạnh: “Úc và Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với nhau nhằm mở rộng hợp tác song phương trong giáo dục, phát triển kỹ năng và việc làm. Bất chấp tác động của Covid-19 lên Úc và Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua những ưu tiên phát triển sẽ giúp nền kinh tế và xã hội của hai nước tiến lên phía trước. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn như hiện nay, hợp tác và trao đổi kiến thức sẽ giúp chúng ta đưa ra các giải pháp sáng tạo vì lợi ích chung”.

Tọa đàm chính sách "giáo dục trực tuyến và nâng cao số hóa trong giáo dục" đã khởi động chuỗi tọa đàm chính sách “Việt Nam dẫn đầu (Vietnam Leads)” do Đại học RMIT tổ chức trong năm 2020 và năm 2021 nhân dịp kỷ niệm 20 năm trường hoạt động tại Việt Nam. Chuỗi sự kiện này nhằm đóng góp vào thảo luận chính sách về các vấn đề trọng tâm đối với Việt Nam và khu vực, tập trung vào các cơ hội và thách thức nảy sinh trong bối cảnh Covid-19 toàn cầu.

Trung tâm Quản lý chất lượng