Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI), viện Khoa học Kinh tế - Công nghệ Sài Gòn, Công ty TNHH Thanh Long Bình Thuận và Công Ty TNHH Caty Food đã tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất thành công sản phẩm mỳ ăn liền có bổ sung thành phần trái thanh long bằng công nghệ Nano.

Từ trái thanh long các giảng viên trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đã làm ra mì ăn liền.

Ngày 8-1, Chi Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Miền Nam và Trung tâm UNESCO Văn hóa thông tin truyền thông phối hợp cùng Công ty TNHH Thanh Long Bình Thuận và Công Ty TNHH Caty Food tổ chức chương trình “Công bố sản phẩm mới Mì ăn liền thương hiệu Caty sản phẩm có thành phần trái cây Thanh Long, công nghệ Nano”.

Từ lâu, Bình Thuận đã biết đến là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2020 và 2021 khi dịch covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã khiến việc tiêu thụ và xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn do đó Công ty TNHH Thanh Long Bình Thuận và Công Ty TNHH Caty Food với sự giúp đỡ từ các giảng viên trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI) và viện Khoa học Kinh tế - Công nghệ Sài Gòn đã tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất thành công sản phẩm mỳ ăn liền có bổ sung thành phần trái thanh long bằng công nghệ Nano.

Với mục tiêu tạo thêm đầu ra cho ngành công nghiệp thanh long, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tỉnh Bình Thuận, Mì ăn liền có thành phần trái cây thanh long Caty là sản phẩm mì ăn liền đầu tiên có thành phần thanh long, sản xuất từ công nghệ Nano, được các cơ quan chức năng thẩm định và chứng nhận sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ.

TT TS&TT