Ngày 26 - 4 Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (HUFI) đã tổ chức Chương trình Tọa đàm Đào tạo trực tuyến: Chất lượng và giải pháp qua phần mềm Microsoft Teams. ThS. Thái Doãn Thanh – Phó Trưởng ban chỉ đạo ĐTTX, ĐTTT Chủ trì buổi tọa đàm.

Ảnh: ThS. Thái Doãn Thanh – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (Phía trên, bên trái) cùng hai báo cáo viên PGS.TS Lê Đức Ngọc (phía trên, bên phải) và PGS.TS. Lê Văn Hảo (phía dưới, bên trái) và hình ảnh các thành viên tham dự trên phần mềm MS Teams

Xuất phát từ tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đồng thời căn cứ vào các công văn số 795 của Bộ GD&ĐT ngày 13/3/2020 về việc triển khai công tác đào tạo từ xa và công văn số 988 của Bộ GD&ĐT ngày 23/3/2020 về việc đảm bảo chất lượng đào tạo trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Để không ảnh hưởng lớn đến tiến độ đào tạo học kỳ 2 năm 2020, HUFI đã quyết định tiến hành đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến bắt đầu từ tháng 4/2020 (Thông báo số 166/TB-DCT ngày 30/3/2020 về việc tổ chức các hoạt động online trong thời gian dịch bệnh Covid-19). Hiệu trưởng HUFI đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến theo Quyết định số 506/QĐ-DCT và thành lập các Tổ chuyên môn, đồng thời đã ban hành Kế hoạch đào tạo từ xa và đào tạo trực tuyến, Quy định tạm thời về đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến của Trường, Cẩm nang dạy học trực tuyến bằng phần mềm Microsoft Teams dành cho giảng viên và sinh viên.

Tại buổi tọa đàm, với hơn 200 giảng viên trong và ngoài trường tự nguyện đăng kí tham gia và 2 chuyên gia khách mời PGS.TS Lê Đức Ngọc, Đại học Quốc gia Hà Nội và PGS.TS. Lê Văn Hảo, Trường Đại học Nha Trang, đại diện Phòng Đào tạo, Phòng CTSV và TTGD đã báo cáo nhanh các hoạt động đảm bảo chất lượng do Phòng Đào tạo và Phòng CTSV&TTGD đang thực hiện với các lớp học trực tuyến tại Nhà trường sau 2 tuần triển khai. Số học phần triển khai dạy trực tuyến là 78 môn học, tổng số giảng viên tham gia giảng dạy tực tuyến là 102 người, tổng số nhóm lớp học phần online là 164 nhóm lớp và tổng số sinh viên tham gia học online là 9.181 sinh viên. Đồng thời nhà trường tiến hành kiểm soát hoạt động dạy và học trực tuyến, đồng thời chỉ ra các thực trạng liên quan đến cơ sở vật chất, thời khóa biểu, tác phong dạy học của giảng viên và đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động dạy học trực tuyến trong thời gian tới.

Tiếp đó, các thành viên tham gia buổi tọa đàm đã được PGS.TS Lê Đức Ngọc, chuyên gia Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo chuyên đề Đảm bảo chất lượng trong dạy học trực tuyến với các nội dung trọng tâm như: Cơ sở khoa học tổ chức dạy và học trực tuyến thời 4.0; phát triển chương trình đáp ứng dạy, học và kiểm tra đánh giá trực tuyến; hoạt động dạy học trực tuyến; kiểm tra đánh giá trực tuyến và đảm bảo chất lượng trong dạy và học trực tuyến.

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Lê Văn Hảo, Trường Đại học Nha Trang cũng đã báo cáo chuyên đề Phương pháp kiểm tra đánh giá trong dạy học trực tuyến. PGS.TS Lê Văn Hảo cho rằng: “Dạy học trực tuyến đã mở rộng khả năng đánh giá hơn nữa bởi nó cung cấp cho giảng viên rất nhiều công cụ có thể sử dụng để giúp sinh viên tương tác với tài liệu theo những cách mới và thú vị”.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu gồm TS. Lê Thị Linh Giang, ThS. Trần Thị Lan Anh là giảng viên Trung tâm Quản lý chất lượng; ThS. Nguyễn Thị Thu Trang giảng viên Khoa Chính trị Luật của Trường đã trình bày chuyên đề Lớp học đảo ngược: Phương pháp và mô phỏng đề cập đến nội dung trọng tâm về khái niệm về lớp học đảo ngược, chỉ ra sự khác nhau giữa lớp học truyền thống và lớp học đảo ngược, dạy học trực tuyến theo mô hình lớp học đảo ngược, quá trình tương tác cũng như đề xuất tiến trình dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược bằng MS Teams. Trên cơ sở đó, nhóm cũng mô phỏng cụ thể một học phần được áp dụng theo mô hình lớp học đảo ngược bằng phần mềm Microsoft Teams đã được triển khai trong hai tuần vừa qua.

Sau mỗi nội dung báo cáo chuyên đề, Ban Chỉ đạo và các thành viên tham dự đã trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan chính sách khuyến khích của nhà trường, các quy định trong dạy học trực tuyến, phương pháp giảng dạy cũng như phương pháp đánh giá trong dạy học trực tuyến và hoạt động đảm bảo chất lượng trong dạy học trực tuyến. Với 30 câu hỏi được gửi đến buổi tọa đàm liên quan đến kỹ thuật, công nghệ, giảng dạy và cơ chế chính sách đã được Ban Tổ chức trả lời cụ thể bằng văn bản và 10 câu hỏi được nêu ra tại Tọa đàm đã được các báo cáo viên và Ban Chỉ đạo giải đáp cụ thể, chi tiết.

Kết luận buổi tọa đàm, ThS. Thái Doãn Thanh Phó ban chỉ đạo Đào tạo từ xa, Đào tạo trực tuyến đã kết luận về các chính sách của nhà trường trong việc khuyến khích giảng viên tham gia đào tạo trực tuyến, chiến lược cũng như kế hoạch phát triển hoạt động này trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, ThS. Thái Doãn Thanh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp để nâng cao chất lượng phương pháp giảng dạy, kỹ thuật công nghệ để đảm bảo chất lượng giảng dạy trực tuyến./.