Ngày 19/6/2022, Khoa Ngoại ngữ- trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 4 với chủ đề “Xu hướng và sáng kiến mới trong giảng dạy ngôn ngữ”.

Tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập, nhưng thực tế dạy và học ngoại ngữ ở các trường đại học, cao đẳng vẫn còn nhiều thách thức. Đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh như thế nào cho hiệu quả, đáp ứng xu hướng mới của giai đoạn hậu COVID-19 là nội dung chính được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc tế.

Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 4 với chủ đề “Xu hướng và sáng kiến mới trong giảng dạy ngôn ngữ”

Tại hội thảo, TS. Thái Doãn Thanh - Phó hiệu trưởng Nhà trường đã có những phát biểu chia sẻ cũng như gửi lời cảm ơn tới những đại biểu, các nhà khoa học, thầy cô, giáo trong và ngoài nước đã đến và tham dự. TS. Thái Doãn Thanh đã chia sẻ: “Buổi hội thảo sẽ cho chúng ta rất nhiều điều hay về phương pháp dạy - học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Chúng ta cần học hỏi từ những nhà khoa học, những chuyên gia để áp dụng trong trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, có như vậy mới không uổng phí công sức của những nhà khoa học, các chuyên gia đã đem đến buổi hội thảo những tâm huyết của mình.”

TS. Thái Doãn Thanh - Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM phát biểu tại hội thảo

Hội thảo đã tập hợp được rất nhiều bài viết và báo cáo của các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước. Trong đó, nhiều tham luận của các học giả đặc biệt nhấn mạnh đến các xu hướng mới trong đào tạo ngoại ngữ hiện nay, cũng như các sáng kiến kinh nghiệm trong việc dạy và học ngoại ngữ đã được chia sẻ bởi các chuyên gia giáo dục và giảng viên trong ngành. Theo TS. Trần Tín Nghị, Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm Tp. HCM chia sẻ: “Việc đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ tại các cấp bậc giáo dục ở Việt Nam chưa bao giờ ngừng thu hút sự quan tâm của các chuyên gia trong cùng lĩnh vực nói riêng và của toàn xã hội nói chung. Chủ đề này  trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi hệ thống giáo dục của chúng ta phải thực hiện việc chuyển giao từ hình thức dạy và học truyền thống sang hình thức trực tuyến nhằm ứng biến với tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong hai năm qua. Chính sự chuyển giao này đã tạo nên những thử thách nhất định cho cả người dạy và người học ngoại ngữ tại Việt Nam. Hội thảo lần này nhằm tổng kết và đưa ra một số giải pháp tương tác trực tuyến trong dạy và học ngoại ngữ”.

Nắm bắt được thực trạng này, Hội thảo khoa học lần thứ 4 với chủ đề “Xu hướng và sáng kiến mới trong giảng dạy ngôn ngữ và chính sách ngôn ngữ” đã được tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Thông qua các phần trình bày của hơn 100 học giả trong và ngoài nước về các xu thế mới trong lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ, Hội thảo đã cập nhật đến người tham dự những phương pháp dạy và học không chỉ hiện đại mà còn hiệu quả nhất.  Đặc biệt trong buổi hội thảo có ý kiến đóng góp từ PGS.TS Lê Văn Canh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM trình bày về “mục tiêu của bạn, của tôi, của chúng ta hợp tác xây dựng môi trường học tập qua hoạt động thực hành khai thác giữa giáo viên và học sinh”, đặc biệt là chú trọng cảm xúc của người học trong quá trình dạy học để đạt được sự thành công trong dạy và học ngoại ngữ.” 

PGS.TS. Lê Văn Canh, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM

Theo chuyên gia Andrew Andrew Duenas từ National Geographic Learning thì việc chuyển từ môi trường học tập trực tiếp truyền thống sang môi trường học trực tuyến, sinh viên đối mặt với nhiều lo lắng và chúng ta có thể tận dụng công nghệ để thay thế phương pháp truyền đạt để dạt mục tiêu chúng ta đề ra. Chẳng hạn như việc chỉ định vai trò của sinh viên trong lớp học có 5 vị trí như lãnh đạo (leader), người giám sát thời gian (timer), người ghi chép (recorder), người liên lạc (communicator) và người kiểm tra (checker). Trong đó, người liên lạc của các nhóm sẽ thông tin cho người giáo viên biết tiến trình làm việc của các nhóm và truyền thông tin từ giáo viên cho các nhóm trong môi trường chia nhỏ các phòng học (breakout room) trên môi trường học trực tuyến.

Chuyên gia Andrew Andrew Duenas từ National Geographic Learning

Bên cạnh đó, theo PGS.TS. Phạm Vũ Phi Hổ hiện nay giáo viên hay dùng các bài tập trong giáo khoa là chính, tuy nhiên để tăng hiệu quả giảng dạy cần cho sinh viên tự đề xuất bài tập hoặc nội dung hoạt động. Mục đích chính là giúp sinh viên chủ động trong học tập, đặc biệt là môi trường học trực tuyến. Người thầy cần tìm hiểu giữa bài tập mà người thầy đưa ra và hình thức và nội bài tập  mà sinh viên đề xuất cái nào giúp sinh viên hứng thú hơn và hiệu quả hơn. Mục đích chính để cho giảng viên và sinh viên cùng thiết kế nhiệm vụ bài học một cách hiệu quả và làm tăng hiệu quả cao nhất, đồng thời tăng tính chủ động cho sinh viên.

PGS.TS. Phạm Vũ Phi Hổ, trường Đại học Văn Lang

Còn theo ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ tại hội thảo thì trong thời gian dịch bệnh các trường đại học đã thành công trong việc chuyển từ đổi mô hình dạy học ngoại ngữ từ trực tiếp sang trực tuyến. Tuy nhiên một số hoạt động như thực tập, giảng dạy thực hành anh văn chuyên ngành du lịch, tiếng anh hàng không, … cần tương tác trực tiếp thì còn gặp nhiều khó khăn khi sinh viên không học trực tiếp trên lớp. Hệ thống các Khối trường trong CLB STESOL đã bước đầu ứng dụng môi trường 3D giả lập, chẳng hạn như Second Life để tạo ra các hoạt động học tập mà người học có thể trải nghiệm để tạo ra các hoạt động mà người học có thể trải nghiệm gần giống như thực tế như tại môi trường sân bay, nhà hàng, khách sạn, … Thực tế triển khai chương trình dạy học Tiếng Anh thực tế ảo cho thấy người học rất hiệu quả và giúp sinh viên ghi nhớ bài tốt hơn các phương pháp khác. Mô hình có thể duy trì ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát nhằm tăng trải nghiệm cho người học.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM

TT TS&TT

Tin HUFICO, Khoa NN