Dạy Kỹ năng sống cho học sinh ngày càng trở nên cấp thiết khi mà xã hội hiện đại đang tác động tới các em từ quá nhiều phía. Tại sao trong những năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ em phạm tội, trẻ em dính vào các tệ nạn xã hội và bỏ nhà, bỏ học, hư hỏng ngày càng nhiều? Độ tuổi trẻ em hư dường như đang ngày càng trẻ hóa. Đó là một thực trạng đáng buồn hiện nay khi mà chúng ta chứng kiến các em học sinh đánh nhau, các em cả nam, cả nữ văng tục, chửi bậy ... Khi bị cha mẹ, thầy cô có nhắc nhở các em lập tức thể hiện thái độ căng thẳng, chống đối. Rõ ràng hiện nay quan niệm của một bộ phận học sinh đang rất sai lệch. Dẫu biết rằng đó chỉ là một số nhỏ, tuy nhiên điều đó cũng cho thấy học sinh bây giờ đang thiếu kỹ năng sống rất nhiều.

Chính vì vậy, việc rèn luyện kỹ năng sống cho các em học sinh là điều rất cần thiết. Việc hình thành các kỹ năng cơ bản trong học tập và sinh hoạt là yếu tố quyết định đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách sau này của các em. Khi xảy ra vấn đề nào đó, nếu không được trang bị kỹ năng sống, các em sẽ không đủ kiến thức để xử lý các tình huống bất ngờ. Vì thế, rèn luyện kỹ năng sống sẽ giúp các em sớm có ý thức làm chủ bản thân, sống tích cực và hướng đến những điều lành mạnh cho chính mình cũng như xã hội.

Trung tâm giáo dục phổ thông của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh ngoài việc giúp các em nắm vững các kiến thức văn hóa phổ thông thì Kĩ năng sống, kĩ năng mềm cũng là một vấn đề mà Trung tâm giáo dục phổ thông luôn đưa vào giảng dạy để giúp các em hoàn thiện bản thân.

Trong các buổi học Kĩ năng sống hầu hết các em đều cảm thấy hào hứng và chờ đợi. Vì những món quà ý nghĩa mà các thầy cô dạy Kĩ năng sống dành tặng - ấy là những bài học thú vị và không kém phần bổ ích giúp các em có những kĩ năng cần thiết trong cuộc sống như:

1. Kĩ năng tự nhận thức: Giúp các em hiểu về chính bản thân mình, như cơ thể, tư tưởng, các mối quan hệ xã hội của bản thân; biết nhìn nhận, đánh giá đúng về tiềm năng, tình cảm, sở thích, thói quen, điểm mạnh, điểm yếu,…của bản thân mình; quan tâm và luôn ý thức được mình đang làm gì, kể cả nhận ra lúc bản thân đang cảm thấy căng thẳng. Từ đó giao tiếp, ứng xử phù hợp và hiệu quả với người khác cũng như để có thể cảm thông được với người khác.

2. Kĩ năng làm việc nhóm: Giúp các em biết chia sẻ trách nhiệm, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong một công việc, một lĩnh vực nào đó vì mục đích chung, biết cam kết và cùng làm việc có hiệu quả với những thành viên khác trong nhóm.

3. Kĩ năng tư duy phê phán: Giúp các em sắp xếp các thông tin thu thập được theo từng nội dung và một cách hệ thống. Phân tích, so sánh, đối chiếu, lí giải các thông tin thu thập được, đặc biệt là các thông tin trái chiều. Xác định bản chất vấn đề, tình huống, sự vật, hiện tượng…là gì? Nhận định về những mặt tích cực, hạn chế của vấn đề, tình huống, sự vật, hiện tượng đó, xem xét một cách thấu đáo, sâu sắc và có hệ thống.

5. Kĩ năng lắng nghe tích cực: Giúp học sinh thể hiện sự tập trung chú ý và thể hiện sự quan tâm lắng nghe ý kiến hoặc phần trình bày của người khác (bằng các cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nét mặt, nụ cười), biết cho ý kiến phản hồi mà không vội đánh giá, đồng thời có đối đáp hợp lí trong quá trình giao tiếp.

4. Kĩ năng giao tiếp: Giúp các em giao tiếp hiệu quả hơn, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ và ý kiến của mình, quyết đoán trong việc ra quyết định và giải quyết vấn đề, thể hiện sự kiên định và có thể bày tỏ ý kiến của bản thân theo hình thức nói, viết hoặc sử dụng ngôn ngữ cơ thể phù hợp với hoàn cảnh và văn hóa, đồng  thời biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến người khác ngay cả khi bất đồng quan điểm.

6. Kĩ năng giải quyết mâu thuẫn: Giúp các em nhận thức được nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn và giải quyết những mâu thuẫn đó với  thái độ tích cực, không dùng bạo lực, thỏa mãn được nhu cầu và quyền lợi các bên và giải quyết cả mối quan hệ giữa các bên một cách hòa bình. Yêu cầu trước hết của kĩ năng giải quyết mâu thuẫn là phải luôn kiềm chế cảm xúc, tránh bị kích động, nóng vội, giữ bình tĩnh trước mọi sự việc để tìm ra nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn cũng như tìm ra cách giải quyết tốt nhất.

Rèn luyện kĩ năng sống có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người để có thể đương đầu với mọi thử thách trong cuộc sống và hoàn thiện bản thân mình hơn. Điều này còn rất quan trọng đối với học sinh cấp 3 - lứa tuổi có những chuyển biến phức tạp trong tâm sinh lý. Vì vậy, Trung tâm giáo dục phổ thông của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh luôn có những chương trình rèn luyện thích hợp giúp các em có những kỹ năng cơ bản để giải quyết và bảo vệ mình trước các tình huống phức tạp của đời sống hiện nay./.

Minh Hùng