Tiếp theo phần Phương pháp nghiên cứu (Research methods) thì phần Kết quả nghiên cứu (Research results/findings) cũng được coi là phần tương đối dễ viết. Trong phần này tác giả trọng tâm vào trình bày những số liệu, thông tin đã tìm hiểu, khám phá và thu thập được từ quá trình phân tích dữ liệu.

Thông tin trình bày trong phần Kết quả nghiên cứu gồm:

Đối với nghiên cứu định lượng (quantitative research): Số liệu được trình bày dưới dạng biểu bảng, đồ thị. Mỗi biểu bảng hoặc đồ thị phải có tiêu đề ngắn gọn và rõ ràng. Cần lưu ý là không lặp lại các thông tin đã có trong các biểu bảng, đồ thị vào các đoạn văn trình bày kết quả trừ khi bạn muốn nhấn mạnh hoặc làm nổi bật một số kết quả quan trọng.

- Đối với nghiên cứu định tính (qualitative research): Thông tin được trình bày theo cụm từ, câu, đoạn. Trong dữ liệu định tính cần cả những trích dẫn trực tiếp từ phỏng vấn, thảo luận nhóm (Belcher, 2019).

- Đối với nghiên cứu hỗn hợp (mixed methods): Cần trình bày cả dữ liệu định lượng và dữ liệu định tính. Bạn có thể trình bày tất cả các dữ liệu định lượng trước rồi sau đó mới tới dữ liệu định tính hoặc người lại. Ngoài ra, bạn cũng có thể trình trình cả hai loại dữ liệu này theo từng nhóm kết quả nghiên cứu.

Khi viết phần Kết quả nghiên cứu, các bạn cần lưu ý những điểm sau:

- Trình bày kết quả nghiên cứu một cách logic, không có sự suy diễn, can thiệp của người nghiên cứu.

- Trình bày những kết quả nghiên cứu liên quan đến câu hỏi nghiên cứu.

- Trình bày những kết quả nghiên cứu lần lượt theo phương pháp nghiên cứu hoặc câu hỏi nghiên cứu hoặc mức độ quan trọng của kết quả nghiên cứu.

- Kết quả nghiên cứu nên được trình bày theo các đầu mục (sub-heading).

- Sử dụng thời quá khứ trong tiếng Anh (past tense) (Yalcin, 2019).

Lưu lý là phần Kết quả nghiên cứu thường chiếm 1/8 (một phần tám) bài báo. Như vậy, với bài viết có độ dài 4000-8000 từ thì Kết quả nghiên cứu có thể có độ dài tương ứng là 500-1000 từ.

Tài liệu tham khảo

Belcher, W. L. (2019). Writing your article in 12 weeks: A guide to academic publishing success (2nd ed.). Chicago: Chicago University Press.

Yalcin, B. (2019). Writing the results sectionIn M. Shoja et al. (Eds), guide to the scientific career: Virtues, communication, research and academic writing (pp. 513-522). New Jersey: Wiley.

Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Cương

(https://www.researchgate.net/profile/Cuong-Nguyen-36)

 Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.