Giới thiệu

Cơ sở dữ liệu khoa học nếu nói thiên về mặt kỹ thuật thì nó mô tả cho cách tổ chức, tổng hợp, quản lý và kiểm soát thông tin của chúng ta làm sao cho dễ truy cập và thuận tiện khi cần, đặc biệt là rất tiết kiệm thời gian, công sức của mình. Nói dân dã thì một lượng lớn thông tin đã được “người ta” gom lại cho bạn, đóng gói sạch đẹp, đầy đủ và khi bạn cần dùng thì chỉ cần truy cập vào mà dùng thôi.


Một số cơ sở dữ liệu khoa học nổi tiếng trong giới học thuật

 

Ví dụ như bạn đang cần tìm một tài liệu nào đó, bạn biết tác giả đó đang giảng dạy ở bên Đức chẳng hạn, khi bạn cần xin data để bạn có số liệu viết bài thì bạn cần làm gì? Có thể kể đến: chuẩn bị quần áo, xin visa, mua vé báy may, đi xe bus/ taxi ra sân bay và đến nơi tác giả công tác và tiêu tốn của bạn kha khá để trang trải chi phí tại Đức. Bạn có hình dung ra rất tốn thời gian và trắc trở không?. Hay ví dụ trong nước, bạn đang cần data về dân số, biến động về diện tích trồng trọt thì bạn phải dành thời gian ra ngoài Cục thống kê rồi xin phép, hỏi ý kiến, trình bày,… Liệu bạn phải lặp lại bao nhiêu lần nữa thì mới đủ data để viết bài? Và giờ đây, với sự phát triển của chuyện ứng dụng tin học, tất cả bây giờ bạn chỉ cần:

  1. Máy tính cá nhân/ laptop/ điện thoại có kết nối internet.

  2. Cơ sở dữ liệu.

  3. Biết được mục đích tìm để làm gì.

Nafosted: Một bước tiến tuyệt vời

Bạn có thể dành thời gian để tìm hiểu về Quỹ phát triển khoa học & công nghệ Quốc Gia (viết tắt là Nafosted) tại đây: https://nafosted.gov.vn/. Quỹ với mục tiêu hướng đến việc nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học ở tiêu chuẩn quốc tế. Do đó Quỹ rất khuyến khích các nhà khoa học trẻ nghiên cứu nghiêm túc và publish kết quả nghiên cứu lên các tạp chí quốc tế uy tín. Căn cứ vào Quyết định 151/QĐ-HĐQL-NAFOSTED phê duyệt Danh mục tạp chí quốc tế có uy tín và tạp chí ISI có uy tín thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật như sau:

  • Tạp chí quốc tế có uy tín: bao gồm các tạp chí thuộc Q1, Q2 và Q3 của danh mục (core collection) SCIE theo từng chuyên ngành do Clarivate Analytics công bố.

  • Tạp chí ISI có uy tín: bao gồm các tạp chí được các Hội đồng Khoa học ngành lựa chọn, đề xuất từ danh mục SCI do Clarivate Analytics công bố.

  • Danh mục tạp chí quốc gia có uy tín: bao gồm các tạp chí được các Hội đồng Khoa học ngành lựa chọn, đề xuất từ các tạp chí quốc gia thuộc danh mục Scopus hoặc ACI hoặc được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận điểm tối đa từ 0.75 trở lên.

cơ sở dữ liệu khoa học

Top 3 cơ sở dữ liệu khoa học danh tiếng

Nhìn chung thì có muôn vàn cơ sở dữ liệu khoa học chứ không chỉ riêng ba database tôi muốn đề cập tại đây. Một bảng danh sách các database mà bạn có thể tham khảo tại đây. Bạn có thể thấy sẽ có hai dạng phổ biến: Free (miễn phí)Subscription (trả phí). Tuy nhiên câu hỏi ở đây là database nào uy tín?. Thật ra rất khó nói, uy tín hay không nó sẽ tùy thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu của bạn và sự chấp nhận của phần đông các học giả, nhà khoa học và cộng đồng. Top 3 tôi muốn đề xuất ở đây sẽ liên quan nhiều hơn về lĩnh vực Sinh học – Công nghệ sinh học và Khoa học đất.

Vị trí số 1: Cơ sở dữ liệu khoa học Web of Science (Clarivate Analytics)

Trang chủ: Web of Science – Clarivate Analytics

Chắc hẳn bạn nghe đến database này rất nhiều và nãy giờ tôi cũng đề cập đến nó. Web of Science (tên gọi trước đây là Web of Knowledge) là một dịch vụ lập chỉ mục trích dẫn (indexed) trực thuộc Viện Thông tin Khoa học (ISI, Institute for Sciencetific Information) lập ra. Viện ISI được ra đời bởi một nhà ngôn ngữ học – nhà kinh doanh Eugene Garfield vào năm 1960, sau đó bán lại cho công ty Thomson (tên ngày nay là Thomson Scientific), đây là một mảng kinh doanh của tập đoàn Reuters. Ngay bây giờ, nó được tiếp quản bởi công ty Clarivate Analytics (Mỹ).

cơ sở dữ liệu khoa học

Quá trình phân loại và đánh giá tạp chí vào Web of Science Core Collection

 

Nhắc đến Web of Science thì phải nói quá trình đánh giá (evaluation) các tạp chí rất gắt gao bởi rất nhiều tiêu chí và đảm nhiệm bởi các chuyên gia. Hiện nay hầu hết giới khoa học sử dụng Web of Science để đánh giá chất lượng của các nghiên cứu của Trường, Viện, quốc gia hoặc xếp hạng nhà khoa học, và các chuẩn đầu ra của nghiên cứu sinh cũng bắt đầu yêu cầu phải có bài báo đăng trên các tạp chí thuộc ISI.

Web of Science Core Collection là một tập hợp khoảng 21.100 ấn phẩm khoa học đã bình duyệt (peer-reviewed) thuộc 250 lĩnh vực đa ngành, nó chia sẻ chung với nền tảng Web of Science. Bạn có thể tưởng tượng Core Collection giống như bộ sưu tập đáng tự hào của Web of Science vậy, bộ sưu tập này gồm tạp chí khoa học, sách, báo cáo hội thảo (proceedings). Quá trình xét duyệt này phải trả qua 24 tiêu chí biên tập (đảm bảo đạt chuẩn tạp chí chất lượng) và 4 tiêu chí về chỉ số tác động (nhằm lựa chọn khả năng ảnh hưởng trong một lĩnh vực). Core Collection bao gồm:

  • Emerging Sources Citation Index (ESCI): tạp chí vào nhóm này có thể hiểu là dự bị. Nghĩa là nó đạt được các tiêu chí về chất lượng (quality). Còn nếu đạt 4 tiêu chí còn lại về impacts thì nó được xếp vào các nhóm bên dưới tùy thuộc lĩnh vực.

  • Science Citation Index Expanded (SCIE): tạp chí thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.

  • Social Sciences Citation Index (SSCI): tạp chí thuộc lĩnh vực khoa học xã hội.

  • Arts & Humanities Citation Index (AHCI): tạp chí thuộc lĩnh vực nghệ thuật và con người.

  • Conference Proceedings Citation Index (CPCI): các kỷ yếu hội nghị.

cơ sở dữ liệu khoa học





















Mô phỏng Web of Science Core Collection

 

Vị trí thứ 2: Scopus (Elsivier)

Trang chủ: Scopus (Elsevier)

Cùng với ISI WoS, Scopus của nhà xuất bản Elsivier (Hà Lan) thành lập vào năm 2004 là một hai database danh tiếng và được cộng đồng khoa học trên thế giới tin tưởng. ISI và Scopus cũng tương tự như cuộc chiến giữa Android và IOS vậy. Nếu nói về cảm nhận của tôi thì tôi nhận thấy Scopus mạnh về chăm sóc khách hàng (customer services), chắc có lẽ xuất thân là một doanh nghiệp nên Elsivier rất biết cách kinh doanh. Giống ISI, thì Scopus hiện có hơn 60 triệu ấn phẩm khoa học peer-reviewed từ năm 1996 đến nay, hoạt động đa ngành. Bạn có thể tưởng tượng, Scopus cũng có những tiêu chí riêng để xét duyệt các tạp chí, điều đó có nghĩa là một số tạp chí có thể vừa thuộc Scopus vừa thuộc cả ISI bởi nó đáp ứng cả các tiêu chí đưa ra. Tuy nhiên theo cá nhân, tôi nhận thấy tiêu chí của ISI tương đối khó hơn rất nhiều, dễ thấy rằng Scopus thường có số lượng tạp chí gấp hai, ba lần so với ISI.

cơ sở dữ liệu khoa học

So sánh ISI và Scopus

 

Vị trí thứ 3: Google Scholar (Mỹ)

Trang chủ: Google Scholar (Mỹ)

Google cũng tham gia vào mảng học thuật với tên gọi là Google Scholar từ những năm 2004. Nói về độ phổ biến thì Google Scholar thật sự chưa ấn tượng, nhưng ưu điểm của nó so với ISI hay Scopus là miễn phí. Google Scholar theo tôi khá mạnh mẽ về thesis/ disertation (tạm dịch là luận văn/ luận án). Trong khi hai ông lớn kia thì thiên về journal và book hơn. Một nghiên cứu của Susanne Mikki (2010) cho rằng Google Scholar là cơ sở dữ liệu khoa học thiên về lĩnh vực Khoa học Trái đất (Earth Science), nó bao phủ khoảng 85% của ISI.

Cơ sở dữ liệu khoa học Google Scholar
(Sưu tầm)