Hỏi - Đáp

Doanh nghiệp bắt ép người lao động đi làm ngày Quốc khánh 2.9 bị xử phạt như thế nào?

Lĩnh vực: <Chưa chọn danh mục> - Gửi lúc: 03:14:01 15-10-2020
Người hỏi: Nguyễn Hoài Vũ - Email: hoaivu@gmail.com

Trả lời:

Doanh nghiệp bắt ép người lao động đi làm ngày lễ Quốc khánh 2.9 có thể bị phạt tiền lên tới 20 triệu đồng.​Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15.4.2020. Tại khoản 2, Điều 17 Nghị định trên quy định như sau: Phạt tiền từ 10 triệu - 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hàng tuần, nghỉ hàng năm hoặc nghỉ Lễ, Tết. Theo Điểm đ Khoản 1 Điều 115 Bộ Luật Lao động 2012, người lao động được nghỉ và hưởng nguyên lương vào ngày Quốc khánh 2.9. Vì vậy, Lễ Quốc khánh 2.9 năm nay rơi vào thứ Tư nên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chỉ có 1 ngày nghỉ lễ. Người sử dụng lao động không được ép người lao động đi làm vào ngày nghỉ 2.9 mà chỉ bố trí người lao động đi làm khi được sự đồng ý của họ. Vì vậy, nếu chủ sử dụng lao động bắt ép người lao động đi làm việc ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 năm nay sẽ bị xử phạt tối đa 20 triệu đồng. Ngoài ra, nếu được sự thoả thuận đồng ý đi làm ngày nghỉ, người lao động sẽ được tính tiền lương theo theo khoản c, Điều 97, Bộ Luật Lao động 2012 quy định về tiền lương làm thêm giờ và làm việc vào ban đêm. Cụ thể, nếu người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương thì được hưởng ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày. Khoản c, Điều 25, Nghị định 05/2015 cũng quy định vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, người lao động hưởng ít nhất bằng 300%. Chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động hưởng lương theo ngày. Như vậy, ngoài khoản lương đi làm nhận được vào ngày nghỉ lễ, người lao động còn được nhận thêm 300%, nghĩa là cao gấp 4 lần ngày thường. Từ năm 2021 khi Bộ Luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực, ngày Quốc khánh người lao động sẽ được nghỉ 2 ngày bao gồm: ngày 2.9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau. (Nguồn: laodong.vn)

(03:14:01 15-10-2020)

Quy định về mức hưởng BHYT hiện nay là gì?

Lĩnh vực: <Chưa chọn danh mục> - Gửi lúc: 11:49:01 14-10-2020
Người hỏi: Nguyễn Hoài Vũ - Email: hoaivu@gmail.com

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014, người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí trong phạm vi được hưởng với các mức sau:

- 100% chi phí khám, chữa bệnh nếu là bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới sáu tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT năm năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở…

- 95% chi phí khám, chữa bệnh nếu là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo…

- 80% chi phí khám, chữa bệnh nếu là đối tượng khác.         

Mức hưởng BHYT trái tuyến: Theo khoản 3 Điều 22 của luật này, khi đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến, người có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT thanh toán:

- 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương;

- 60% chi phí điều trị nội trú đến ngày 31-12-2020 tại bệnh viện tuyến tỉnh;

- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.

Nguồn: baohiemxahoi.gov.vn

(11:49:01 14-10-2020)

Người lao động khiếu nại thế nào cho đúng quy định?

Lĩnh vực: <Chưa chọn danh mục> - Gửi lúc: 11:49:01 14-10-2020
Người hỏi: Nguyễn Hoài Vũ - Email: hoaivu@gmail.com

Trả lời:

Trong quá trình lao động, người sử dụng lao động và người lao động rất dễ nảy sinh những mâu thuẫn lao động không giải quyết được, để bảo vệ được quyền và lợi ích của mình thì người lao động nên nắm được “Khiếu nại thế nào cho đúng quy định?”
Nghị định 24/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2018 quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động:
1. Nguyên tắc giải quyết khiếu nại (Điều 4):
- Kịp thời, khách quan, công khai, dân chủ và theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, người bị khiếu nại và cá nhân, tổ chức liên quan.
2. Thời hiệu khiếu nại (Điều 7):
- Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động bị khiếu nại.
- Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu quy định nêu trên vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
3. Hình thức khiếu nại (Điều 6): 
Khiếu nại thực hiện bằng hình thức gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp
- Khiếu nại bằng hình thức gửi đơn thì trong đơn khiếu nại ghi rõ nội dung sau đây: ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại. Đơn khiếu nại do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ;
- Khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại theo quy định nêu trên và yêu cầu người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.
4. Trình tự khiếu nại
4.1 Khiếu nại lần đầu (Căn cứ điều 5, 15, 19, 20, 23): 
Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người bị xâm phạm thực hiện khiếu nại đến người sử dụng lao động (đại diện theo pháp luật của đơn vị).
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.
- Trường hợp khiếu nại do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác chuyển đến, ngoài việc thông báo theo quy định trên, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến.
- Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. 
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
- Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (Điều 23): 
Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại có nội dung chính sau đây: Ngày, tháng, năm ra quyết định; Tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại; Nội dung khiếu nại; Kết quả kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại; Kết quả đối thoại (nếu có); Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; Kết luận nội dung khiếu nại; giải quyết vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại; Việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (nếu có); Quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án.
4.2 Khiếu nại lần hai (Căn cứ điều 5, 15, 23, 27, 28, 31):
-Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại tòa án hoặc thực hiện khiếu nại lần hai theo quy định. Khiếu nại lần hai gửi đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại.
- Trường hợp khiếu nại do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác chuyển đến, ngoài việc thông báo cho người khiếu nại theo quy định tại khoản 2 Điều này, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến.
- Trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
- Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý.
- Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai (Điều 31): 
Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại có nội dung chính như quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và bổ sung thêm nội dung: Kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu (nếu có); Quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án.
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc quá thời hạn quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án tại tòa án.
- Trường hợp người bị khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính theo quy định.
Thanh Huyền tổng hợp
(11:49:01 14-10-2020)

Quy định về việc tăng viện phí với người bệnh không có thẻ BHYT áp dụng từ ngày 01/01/2020?

Lĩnh vực: <Chưa chọn danh mục> - Gửi lúc: 11:49:01 14-10-2020
Người hỏi: Nguyễn Hoài Vũ - Email: hoaivu@gmail.com

Trả lời:

Thực hiện Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, bắt đầu từ 01/01/2020, một số tỉnh, thành phố chính thức điều chỉnh giá các dịch vụ y tế với người không có BHYT.

Tại Hà Nội, mức giá mới của 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường và 1.937 dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm khác được áp dụng với người bệnh không có thẻ BHYT, như sau:

Giá khám tại các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 như: Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa, Hà Đông, Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Tâm thần Hà Nội hay Đức Giang là 38.700 đồng... Giá này đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.

Giá ngày giường được quy định với giường điều trị hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng hoặc ghép tủy hoặc ghép tế bào gốc áp dụng các mức: 753.000 - 678.000 - 578.000 đồng khi điều trị các bệnh viện hạng đặc biệt, 1, 2.

Với giường bệnh hồi sức cấp cứu, giá ngày giường mà người bệnh phải chi trả, theo các mức giá: 441.000 - 411.000 - 314.000 - 272.000 - 242.000 đồng tương ứng với 5 hạng bệnh viện, gồm: Bệnh viện hạng đặc biệt, 1, 2, 3, 4.

Giường bệnh nội khoa loại 1 (các khoa: Truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, tâm thần, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học; nội tiết; dị ứng (nặng): 232.000 - 217.000 - 178.000 - 162.000 - 144.000 đồng, tương ứng áp dụng cho 5 hạng bệnh viện nêu trên.

Các dịch vụ chụp chẩn đoán cũng có mức giá tự chi trả khá cao, như: Chụp cộng hưởng từ (MRI) gan với chất tương phản đặc hiệu mô: 8,656 triệu đồng; chụp MRI tưới máu - phổ - chức năng: 3,156 triệu đồng; chụp MRI không có thuốc cản quang: 1,308 triệu đồng...

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 10 giá khám bệnh, 38 giá giường bệnh, 1.937 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm được điều chỉnh. Quy định trong Thông tư 14 lần này so với hiện hành thì giá nhiều loại giường ngày bệnh tăng 11% - 14%, giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm tăng 3% - 4%.

Tại Nghệ An, giá dịch vụ giường điều trị tăng khá cao, trong đó, bệnh viện hạng đặc biệt tăng 15,2%, bệnh viện hạng 1 tăng 14,6%, bệnh viện hạng 2 tăng 5%, bệnh viện hạng 3 tăng 10,5% và bệnh viện hạng 4 tăng 7,1%; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm tăng khoảng 5%...

PV (theo thanhnien.vn)

(11:49:01 14-10-2020)

Câu hỏi thường gặp