1982
Sáng ngày 18/10/2019, tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (HUFI), Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Tự chủ đại học, Hiện trạng, Kết quả, Bất cập". Các đại biểu tham dự hội thảo đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc tự chủ ở các trường đại học công lập hiện đang áp dụng.
Nhờ tự chủ, sinh viên không phải đóng khoản tiền nào ngoài học phí
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: là một trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công thương, đến nay, HUFI là một trong số ít các trường đại học được phép tự chủ hoàn toàn, kể cả chi thường xuyên, chi đầu tư.
Nhờ có tự chủ, tự chịu trách nhiệm, HUFI đã có thể tuyển dụng viên chức, nhân viên hợp đồng theo nhu cầu, ký hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học là người nước ngoài để đảm bảo đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học; được quyền cơ cấu và quyết định số lượng người làm việc.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn phát biểu tại hội thảo Tự chủ đại học, Hiện trạng, Kết quả, Bất cập
Đặc biệt, với cơ chế tự chủ, Trường đã thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao từ nhiều nguồn khác nhau, độ tuổi khác nhau. Trong số này có rất nhiều người đã nghỉ hưu theo chế độ, nhưng vẫn tiếp tục ký hợp đồng lao động với Nhà trường, tăng cường sử dụng đội ngũ giảng viên là người nước ngoài.
Trường chủ động mời các nhà khoa học có uy tín cao từ nhiều nước đến để cộng tác nghiên cứu, trao đổi học thuật…
Do khi được thực hiện tự chủ, mức học phí được thu tăng cao hơn, nên quy mô tuyển sinh có giảm so với nhiều năm trước, nhưng cũng chính nhờ tự chủ, Nhà trường đã xây dựng chương trình, lộ trình và thời gian đào tạo.
Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh khẳng định, nhờ tự chủ mà sinh viên học tại đây không phải đóng bất cứ khoản tiền nào ngoài học phí. “HUFI có lẽ là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam đến tiền gửi xe của sinh viên cũng được miễn phí”- Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàn nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Nguyễn Xuân Hoàn cũng đã đưa ra cam kết: Nhà trường không bao giờ để tình trạng sinh viên có điều kiện khó khăn, không có điều kiện kinh tế mà không được học.
Toàn bộ số sinh viên này đều được miễn 100% học phí, và có chỗ ở cả trong Ký túc xá của Nhà trường.
Còn Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, nếu được giao tự chủ thì các trường sẽ chủ động làm được nhiều việc, linh hoạt để tồn tại và phát triển trong cơ chế thị trường, xây dựng chiến lược phát triển theo định hướng ứng dụng, đào tạo và nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.
Những khó khăn, bất cập trong tự chủ đại học
Từ thực tế của đơn vị mình, ông Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Việc tự chủ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đó là một bộ phận cán bộ, viên chức vẫn còn đắn đo khi thực hiện tự chủ, do sợ không đáp ứng được với hoàn cảnh mới, mất quyền lợi, vẫn còn nhiều tư duy bao cấp, bình quân.
Tâm lý bao cấp về học phí trong đào tạo vẫn còn rất nặng nề, tác động không nhỏ đến công tác tuyển sinh; hệ thống tổ chức và quản lý chưa phù hợp ngay được với sự đổi mới do cơ chế chưa chặt chẽ; hệ thống văn bản, quy chế phải sửa đổi nhiều để đáp ứng ngay với điều kiện thực tế.
Toàn cảnh hội thảo Tự chủ đại học, Hiện trạng, Kết quả, Bất cập tổ chức vào ngày 18/10
Cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học là khác nhau, một số vẫn còn bao cấp làm quá trình cạnh tranh không công bằng, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh.
Đối với việc tự chủ tài chính, Phó Giáo sư Trần Mai Ước – Chánh văn phòng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Một số cơ sở được tự chủ về mức chi, nhưng mức thu lại chưa tương xứng, dẫn tới hiệu quả không hơn là bao so với không tự chủ.
Do bị khống chế về mức trần học phí, thường là thấp, thu không đủ chi, nên một số cơ sở đã “xé rào”, ban hành nhiều khoản thu ngoài quy định, dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu.
Cơ chế phân bổ ngân sách vẫn mang tính bình quân giữa các trường đại học công lập, chưa gắn với các tiêu chí phản ánh chất lượng, kết quả đầu ra.
Mức học phí vẫn còn thấp, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, loại hình đào tạo bậc đại học.
Cơ sở giáo dục đại học tự chủ vẫn chưa có thói quen chú trọng vào việc coi trọng, tích cực tìm kiếm, thu hút nguồn lực tài chính từ các nguồn dự án, nguồn vốn viện trợ nước ngoài, tài trợ của các quỹ nghiên cứu, từ hoạt động tư vấn, liên kết với doanh nghiệp.
Theo Phương Linh - Báo GDVN
Xem thêm :